Thương hiệu Việt giành lại thị phần mì ăn liền

Thị trường mì ăn liền chứng kiến sự cạnh tranh sôi động với sự vươn lên đáng nể của các thương hiệu Việt, nhất là tại khu vực nông thôn, nơi chiếm khoảng 80% số lượng tiêu thụ.

Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mức tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, bao gồm thực phẩm đóng gói, nước giải khát, sữa, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe… đang có dấu hiệu chậm lại, chỉ tăng khoảng 4-5%, trượt dài so với mức tăng 14% vào năm 2013.

Với ngành thực phẩm đóng gói, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Kantar Worldpanel nhận định mức tăng trưởng đang giảm. Nếu như giai đoạn 2013-2014 mức tăng trưởng hấp dẫn đến 10%, đến năm 2015 và đầu năm 2016, con số này chỉ dừng ở 5%, trong đó ở thành thị tăng 4%, nông thôn 6%. Riêng thị trường mì gói năm 2015 chỉ tăng trưởng 3% về mặt số lượng, thậm chí về mặt giá trị còn tăng trưởng âm (-2%).

Tuy vậy, theo Kantar Worldpanel, các thương hiệu nội địa dường như tăng trưởng tốt hơn các nhãn hàng quốc tế (11,7% so với 5,9%). Năm 2015, khối nội vượt lên khối ngoại, chiếm hơn một nửa thị trường, tập trung tại khu vực nông thôn (khối nội 54% và khối ngoại 46%). Thêm nữa, trong bối cảnh thị trường hàng tiêu dùng nhanh có dấu hiệu bão hòa ở khu vực thành thị, nông thôn với gần 70% dân số là mảnh đất màu mỡ để doanh nghiệp phát triển.

Thương hiệu mì 3 Miền đang dẫn đầu khu vực nông thôn, chiếm 26% số lượng mì gói tiêu thụ, đóng góp 22% giá trị thị trường.

Năm 2015, ngành hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn ghi nhận mức tăng trưởng tới 8,7%, gấp 4 lần thành thị. Thị trường 6 tháng đầu năm tại khu vực này đạt tổng giá trị 78.000 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, thực phẩm đóng gói đóng góp nhiều nhất, đến 26.000 tỷ đồng, ngành hàng nước giải khát có doanh số 24.000 tỷ đồng, sản phẩm sữa mang về 16.000 tỷ đồng.

Một ghi nhận đáng thú vị trong thị trường thực phẩm đóng gói là sự vươn lên của thương hiệu Việt. Báo cáo Nghiên cứu thị trường thực phẩm quý 2 vừa công bố của Kantar Worldpanel cho thấy, thương hiệu mì 3 Miền đang dẫn đầu khu vực nông thôn, chiếm 26% số lượng mì gói tiêu thụ, đóng góp 22% giá trị thị trường.

“Đây là kết quả của quá trình lội ngược dòng ngoạn mục của mì 3 Miền khi liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số trong suốt 2 năm qua, trong lúc thị trường chỉ tăng trưởng vài phần trăm, thậm chí tăng trưởng âm”, ông Nguyễn Huy Hoàng nhận định.

Theo đại diện Kantar Worldpanel, thương hiệu 3 Miền là một ví dụ điển hình cho việc thâm nhập thị trường nông thôn của các thương hiệu Việt khi đảm bảo tốt yếu tố sản phẩm, giá bán và hệ thống phân phối. “Uniben đưa ra các sản phẩm hợp khẩu vị người tiêu dùng và có giá bán phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của họ. Về phân phối, hãng tăng trưởng được hơn 10% điểm tiếp cận người mua trong vòng một năm, tương ứng 1,6 triệu hộ gia đình, trên tổng số khoảng 20 triệu hộ gia đình trên cả nước”, ông Hoàng nói.

Báo cáo Nghiên cứu thị trường thực phẩm quý 2 vừa công bố của Kantar Worldpanel cho thấy, thương hiệu mì 3 Miền đang dẫn đầu khu vực nông thôn, chiếm 26% số lượng mì gói tiêu thụ, đóng góp 22% giá trị thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, Giám đốc Tiếp thị công ty Uniben chia sẻ, người tiêu dùng nông thôn mặc dù khá cởi mở với các sản phẩm mới trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, nhưng không dễ dãi. Mọi người đều biết, sản phẩm có vai trò quan trọng như thế nào khi tiếp cận người tiêu dùng, nhất là với thực phẩm, món ăn.

“Uniben đã chọn cho mình cách phát triển sản phẩm theo hướng nghiên cứu hương vị của các món ăn truyền thống, tìm tòi chắt lọc từng nét đặc trưng nhất của các món ngon từ khắp ba miền, để ứng dụng vào các sản phẩm của mình, tạo ra những hương vị rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà “3 Miền” được người dân Việt thương”, ông Luân cho biết thêm.

Chiến lược về nông thôn của những thương hiệu nội trong cuộc đua với khối ngoại là không mới. Làn sóng này mở màn từ năm 2009, khi chiến dịch hàng Việt đổ về nông thôn bắt đầu được kêu gọi. Đổ về nhiều nhưng làm sao để thành công lại là câu chuyện khác.

Báo cáo của Kantar Worldpanel nhận định, cơ hội của những nhãn hàng nội sẽ tăng lên khi đảm bảo 5 yếu tố lớn: phát triển kênh phân phối; xây dựng thương hiệu Việt đúng chuẩn quốc tế; đưa ra các sản phẩm phù hợp, phong phú; đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng; song song với những hoạt động tạo sự gắn kết với cộng đồng và góp phần nâng cao mức sống của người dân địa phương.

Giang Minh Nguyệt
Nguồn Zing News